Danh mục sản phẩm

Hình ảnh

Video

Tin tức & Sự kiện

Cần những cái

( 07-05-2015 - 12:43 PM ) - Lượt xem: 1095

Gia đình bà Lê Thị Lụa ở thôn 1, xã Ea Sô có 1 ha mía đã 15 tháng nhưng vẫn chưa được thu hoạch. Nhìn ruộng mía mỗi ngày khô nỏ, bà Lụa như ngồi trên lửa, vì chỉ cần một chút sơ sảy với thời tiết hanh khô thì sẽ cháy sạch. Bà còn lo nữa là nếu không thu hoạch kịp, khi đến mùa mưa việc vận chuyển sẽ rất khó khăn và tốn kém

 Đắng lòng người trồng mía 
 
Gia đình bà Lê Thị Lụa ở thôn 1, xã Ea Sô có 1 ha mía đã 15 tháng nhưng vẫn chưa được thu hoạch. Nhìn ruộng mía mỗi ngày khô nỏ, bà Lụa như ngồi trên lửa, vì chỉ cần một chút sơ sảy với thời tiết hanh khô thì sẽ cháy sạch. Bà còn lo nữa là nếu không thu hoạch kịp, khi đến mùa mưa việc vận chuyển sẽ rất khó khăn và tốn kém. Trữ lượng đường giảm, giá theo đó cũng kéo xuống đã đành lại còn phải mất tiền thuê xe cày tăng bo chở mía từ ruộng ra đường, vậy là lỗ lại chồng lỗ. Nghĩ đến chuyện diện tích mía nhà mình thu hoạch muộn rồi gặp mưa mà bà ngao ngán. Bởi chẳng đâu xa, năm ngoái chị Trương Thị Biên ở cùng thôn cũng rơi vào tình cảnh này. Nhà chị Biên có 1,5 ha mía, khi có lịch được thu hoạch thì cũng đã đến mùa mưa, chị đành phải thuê xe cày tăng bo chở mía. Cuối cùng tính ra cả vụ mía gia đình chị chỉ lãi được 100 nghìn đồng. Rút kinh nghiệm năm nay chị đã chuyển 8 sào sang trồng màu và chỉ giữ lại 7 sào trồng mía, nhưng hiện cũng chưa có lịch được chặt dù mía đã 14 tháng tuổi, trong khi theo hợp đồng ký kết với đơn vị đầu tư, thu mua thì mía 12 tháng là thu hoạch.
 
Dù may mắn hơn bà Lụa, chị Biên, gia đình ông Trịnh Đình Thảo ở thôn 2 có 2,5 ha mía đã được thu hoạch. Nhưng không vì vậy mà ông Thảo vui mừng, ông vẫn ấm ức lắm vì có nhiều điểm trong thu mua ông cho là bất hợp lý. Chuyện là gia đình ông đã chọn mua và trồng giống mía dóc 26 và K84 được coi là những dòng mía có trữ lượng đường cao nhưng thực tế khi đem đi cân tại nhà máy lại không phải như vậy. Trữ  lượng đường khác nhau ngay trên cùng một diện tích đã đành, đằng này lại khác nhau ngay trên cùng một chuyến xe. Còn tạp chất khi cân đo mía, theo ông Thảo là việc tính toán cũng vô thưởng vô phạt. Ông Thảo lý giải: “Ừ thì cứ cho là số diện tích thu hoạch đầu chưa có kinh nghiệm nên làm qua loa, nhưng thấy bị trừ tạp chất nhiều quá khi cân, sau đó tôi đã lưu ý làm sạch lá, sạch cây nhưng chẳng biết ở đâu mà tạp chất lắm thế! Tạp chất vẫn được tính là 3,5; 4,5; 5,3 rồi 5,8”. Với giá bán trung bình 700 đồng/kg, vụ mía này ông Thảo cũng lỗ công chặt mất 26 triệu đồng. Ông Thảo xót xa: “Khi mía đã lên xe thì không còn là tài sản của mình nữa. Tôi cũng như nhiều bà con khác có thắc mắc về trữ lượng đường, về tạp chất thì được trả lời là do máy đo”.
 
Mía đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn bị để khô nỏ trên đồng.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy, thôn phó thôn 1, toàn thôn có 99 hộ thì 90 hộ trồng mía nhưng đến đầu tháng 4 này mới có khoảng 60 hộ được thu hoạch đúng thời vụ. Theo tính toán của người trồng mía ở đây, một người đầu tư trồng mới năm đầu, chi phí từ khâu trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch cũng vào khoảng 70 triệu đồng/ha. Nếu mía thu hoạch muộn, 10 cây khô 4, trữ lượng đường giảm, sản lượng bình quân 120 tấn/ha cũng giảm xuống còn khoảng 80 tấn/ha. Với giá mía trung bình  650 đồng/kg, thu nhập cũng chỉ trên 50 triệu đồng, vậy là người dân lỗ nặng, phải đi vay để mà trả tiền công.
 
Cần những cái “bắt tay” thực sự
 
Ngày 24-6-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định  80/2002/QĐ-TTG về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất ổn định, bền vững. Hợp đồng sau khi đã ký kết là cơ sở pháp lý để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giữa người sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu theo các quy định của hợp đồng. Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa phải được ký với người sản xuất ngay từ đầu vụ sản xuất, đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất. Thực hiện quyết định này, cùng với cây sắn, cây bông vải, cây mía cũng là một trong những loại cây trồng đã được các doanh nghiệp và nông dân bắt tay nhau bằng việc ký kết hợp đồng tiêu thụ. Tuy nhiên, từ thực tế những gì đã và đang diễn ra trong vụ mía này ở xã Ea Sô đã cho thấy sự liên kết còn thiếu chặt chẽ.
 
Do chưa có công trình thủy lợi nên trên địa bàn xã Ea Sô, sản xuất nông nghiệp của bà con hầu như phụ thuộc vào nước trời. Với diện tích 2.000 ha trên tổng số 4.700 ha cây trồng toàn xã, cây mía đã trở thành loại cây trồng chính ở đây. Và trong 2.000 ha mía này thì có 1.500 ha được trồng theo hợp đồng ký kết với các đơn vị, nhà thu mua, còn lại là trồng ngoài hợp đồng. Điều đáng chú ý theo như anh Lê Tất Chiến, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Ea Sô cho biết là nhiều diện tích mía sản xuất theo hợp đồng ký kết thì vẫn chưa được sắp lịch để chặt, trong khi những diện tích ngoài hợp đồng, chẳng có ràng buộc nào nên bà con đã thu hoạch và trồng mới mía lên được 2-3 tháng. Số diện tích mía trồng theo hợp đồng do được nhận vay vốn đầu tư giống, phân bón ban đầu nên hầu như bà con phải chịu thế bị động, được sắp lịch chặt khi nào thì chặt khi ấy để trừ nợ. Thông thường, theo hợp đồng mía thu hoạch khi được 12 tháng nhưng việc thu hoạch muộn khiến diện tích mía của không ít gia đình sẽ rơi vào tình trạng 3 năm mới được 2 vụ. Thêm nữa, theo như người dân cho biết thì trong quá trình thu hoạch có nhiều khoản phí ngoài hợp đồng mà họ phải chịu như phí cho cán bộ nông vụ… ; rồi trữ lượng đường, tạp chất có sự chênh lệch ngay trên cùng một chuyến xe chẳng biết thực hư thế nào khiến họ phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Qua thực tế tìm hiểu thì được biết, hợp đồng được ký kết nhưng không ít nông dân đã chẳng quan tâm cất giữ để sau này có cơ sở làm đối chứng trước những điều khoản được thực hiện mà mình băn khoăn. Trăn trở về nỗi vất vả của người dân trồng mía, Chủ tịch UBND xã Ea Sô Nguyễn Thế Thủy cho biết, từ thực tế những gì đã diễn ra, về phía xã sẽ làm việc với đơn vị thu mua nguyên liệu để có cam kết thời gian nào vào vụ ép, thời gian nào hết vụ. “Để tránh việc “bội thực” nguyên liệu, khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm, đơn vị thu mua cũng nên kiên quyết không mua ngoài hợp đồng, góp phần thực hiện tốt vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu. Đặc biệt, cần bảo đảm quyền lợi giữa đôi bên để sự liên kết được bền vững”, ông Thủy nói.