Năm tới, thế giới thiếu cà phê?
(
07-05-2015 - 12:43 PM ) - Lượt xem: 1082
Các sàn kỳ hạn cà phê ở New York và London tuần qua vẫn cứ nóng hơn các lò rang! Thật vậy, giá niêm yết cà phê arabica tại Mỹ lên mức cao nhất tính từ hai năm trở lại đây, tăng vượt mức tâm lý 200 xu/cân Anh (cts/lb) gần chạm mức 210 cts/lb, là mức cao nhất trong hai năm nay, còn giá robusta tại Anh quốc tiệm cận mức 2.200 đô la Mỹ/tấn, cũng là đỉnh cao nhất trong vòng mười hai tháng nay.
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London tháng 3-2014 (tác giả cập nhật)
Cà phê vẫn nóng!
Các sàn kỳ hạn cà phê ở New York và London tuần qua vẫn cứ nóng hơn các lò rang! Thật vậy, giá niêm yết cà phê arabica tại Mỹ lên mức cao nhất tính từ hai năm trở lại đây, tăng vượt mức tâm lý 200 xu/cân Anh (cts/lb) gần chạm mức 210 cts/lb, là mức cao nhất trong hai năm nay, còn giá robusta tại Anh quốc tiệm cận mức 2.200 đô la Mỹ/tấn, cũng là đỉnh cao nhất trong vòng mười hai tháng nay.
Thị trường cà phê nội địa bắt nhanh theo nhịp, vượt qua mức 41.500 đồng/ki lô, là mức cao nhất tính từ hơn mười tháng trở lại đây, cao hơn giá cuối tuần trước 1.700 đồng/kg. Mua bán nhộn nhịp hẳn, “có ngày mua được cả năm, bảy ngàn tấn,” đại diện một công ty xuất khẩu tại TPHCM cho biết.
Hôm qua 14-3 tức rạng sáng hôm nay thứ Bảy 15-3 đóng cửa giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE chốt mức 2.175 đô la/tấn, giảm 14 đô la nhưng cả tuần tăng 76 đô la (xin xem biểu đồ trên). Trong khi đó, giá arabica trên sàn New York đạt mức 197,85 cts/lb, giảm 7,55 cts/lb nhưng tăng 1,55 cts/lb tức 34 đô la/tấn. Giá kỳ hạn giảm làm chùng thị trường trong nước. Sáng nay, giá nội địa chỉ còn 41.300 đồng/kg, tăng 1.500 đồng so với cuối tuần trước.
Giá “trừ lùi” giảm mở đường cho hàng đi
Giá kỳ hạn tăng trong khi giá nội địa theo không tương xứng đã làm giá “trừ lùi” giãn. Thật vậy, giá xuất khẩu tính trên giá chênh lệch giữa giá niêm yết sàn kỳ hạn với giá tính từ cảng đi (FOB) cho loại 2,5% đen vỡ xuống mức trừ 120 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn, giảm 20 đô la so với tuần trước và là mức thấp nhất trong vài năm nay, do giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên quanh mức trừ 220 đô la/tấn.
Nhờ giá trừ lùi dễ thở, chỉ từ đầu tháng đến nay, đã có 86 lô (10 tấnxlô) nhận được chứng nhận đạt chất lượng sàn Liffe NYSE (certs). Đây là lượng cà phê được xác nhận lớn nhất tính từ nhiều tháng nay. Dự kiến lượng này sẽ tăng nhanh nay mai.
Không những thế, giá tăng đã kích hàng xuất khẩu nhiều hơn. Thống kê của Tổng cục Hải quan chỉnh lại ước báo lượng xuất khẩu trong tháng 2-2014 của nước ta lên 184.100 tấn, tăng 83,4% so với tháng 2-2013. Như vậy, theo hệ thống kê này, tổng lượng xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu niên vụ (bắt đầu từ 1-10-2013) đạt 604.200 tấn, chỉ giảm 15% so với cùng kỳ.
Tại Brazil, Hội đồng Xuất khẩu Cà phê (Cecafe) nước này cũng cho biết trong tháng 2-2014 nước này xuất khẩu tăng 24% so với lượng 2,211 triệu bao (60 kgxbao) cùng kỳ năm ngoái.
Năm tới thiếu cà phê?
Ngược với các dự đoán thông thường, giá cà phê tăng như phi nước đại, đặc biệt kể từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Một đợt hạn hán được cho là khốc liệt nhất từ nhiều thập kỷ nay đang xảy ra tại Brazil, nước cung ứng cà phê số 1 thế giới. Hằng năm, nước này xuất khẩu chừng từ 32-33 triệu bao, chủ yếu là loại arabica. Việt Nam xếp thứ 2 với chừng 21-22 triệu bao, phần lớn là robusta.
Arabica là loại cà phê thơm, dịu, quyết định chất lượng và mùi vị cho ly cà phê; robusta là loại cà phê thường được dùng để phối trộn hay làm ra cà phê hòa tan.
Giá cà phê thế giới xoay chiều không chỉ do yếu tố thời tiết. Tình hình bất ổn địa chính trị tại bán đảo Crimea của nước Ukraine đang làm lung lay các thị trường cổ phiếu toàn cầu. Đứng trước tình hình này, các quỹ đầu cơ đang chuyển vốn từ các thị trường chứng khoán có mức độ rủi ro cao hơn, để chọn sàn cà phê và một số loại nông sản khác làm nơi “trú ẩn an toàn”. Lượng vốn chuyển vào càng nhiều, giá kỳ hạn càng tăng do đầu cơ đặt cược càng lớn.
Thị trường càng căng hơn khi trong cuộc họp báo tại trụ sở Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) vào ngày 7-3-2014, Tổng giám đốc điều hành ICO Roberio Oliveira Silva cho rằng thế giới năm tới sẽ thiếu hụt “ít nhất là hai triệu bao cà phê, chủ yếu là do hạn hán tại các vùng trồng cà phê của Brazil”.
Cà phê Brazil không được tưới như ở nước ta, chỉ thường chờ trông mưa vào hai tháng đầu năm, là thời gian quan trọng cho quá trình hình thành nhân của quả cà phê. “Song, trong hai tháng 1 và 2 năm 2014, lượng mưa bình quân tại các vùng trồng cà phê nước này thiếu hẳn so với bình quân nhiều năm, cộng với nhiều đợt nắng nóng kéo dài đã làm độ ẩm trong đất và không khí giảm mạnh”, giới chuyên môn nhận định.
“Đây là một đợt hạn hán chưa từng thấy,” nhà khoa học Peter Baker trình bày báo cáo của mình tại một cuộc hội thảo tại ICO trước đó. Baker chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng khí hậu trên hàng hóa nguyên liệu nông sản, thành viên của một ủy ban liên chính phủ về các vấn đề quan hệ giữa nông nghiệp và môi trường. Theo ông, “thường tháng 1 và tháng 2 là thời gian quyết định cho quả cà phê. Nhưng do thiếu nước, quả cà phê nhiều vùng tại Brazil không phát triển bình thường”. Hệ lụy là sản lượng sẽ mất do tỉ lệ quả rụng nhiều, nhân nhỏ ảnh hưởng đến năng suất.
Nhiều nhà phân tích phải điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê của Brazil giảm trong năm 2015. Cụ thể, hãng thống kê uy tín F.O. Litch của Đức ước sản lượng năm tới của nước này giảm 15% chỉ còn chừng 48 triệu bao. Kết quả đợt thăm dò sản lượng Brazil niên vụ tới do Reuters thực hiện với 20 đơn vị, cá nhân, ước sản lượng Brazil giảm trên 10% còn chừng 48,9 triệu bao.
Báo cáo mới nhất của ICO nói rằng tổng sản lượng cà phê thế giới năm này ước đạt 145,75 triệu bao và tổng cầu cà phê thế giới năm 2012 chừng 142 triệu bao. Nếu cho rằng hiện nay mỗi năm thế giới tiêu thụ thêm 2 triệu bao, thì ước niên vụ 2014/15 tiêu thụ cà phê thế giới chừng 146 triệu bao. Tuy vị quan chức ICO chưa đưa ra con số ước lượng cụ thể cho niên vụ mới, dựa trên phát biểu của ông, sản lượng cà phê thế giới vụ tới chỉ còn 144 triệu bao, giảm 2 triệu bao so với năm này và đúng với lượng thiếu hụt ông đã ước.
Tuy nhiên, ở thời đại mà các sàn kỳ hạn hàng hóa đang bị đầu cơ tài chính thao túng, sản lượng tăng hay giảm đôi khi chỉ là một cái cớ để đầu cơ xoay chuyển tình thế có lợi theo ý mình.
Nghe theo tin đồn để đầu cơ chờ giá tăng, lợi hại sẽ chia đều. Người đầu cơ nhỏ lẻ do yếu lực tài chính, có thắng chăng đa phần chỉ nhờ ăn may. Nên đối với một nước xuất khẩu cà phê, giá tăng càng cao càng nên bán ra và đấy là cách “ăn chắc mặc bền” nhất.